Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai
Ngày cập nhật 16/03/2020

Biên soạn, giới thiệu về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai từ lúc phát hiện hành vi vi phạm đến khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Đối chiếu, rà soát các quy định pháp luật tại tại các văn bản: Luật Xử lý vi phạm hành chính, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính như Nghị định 81/2013/NĐ-CP, Nghị định 97/2017/NĐ-CP, Nghị định 166/2013/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ xử phạt hành chính của Bộ Tư pháp, Cục Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai.

Để thực hiện đảm bảo các quy định tại các văn bản trên và thống nhất cách xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện, biên soạn và giới thiệu các bước cụ thể như sau:

Bước 1. Phát hiện hành vi và lập biên bản vi phạm hành chính:

- Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo Khoản 2 Điều 40 Nghị định 91/2019/NĐ-CP phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, gồm:

+ Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính;

+ Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và hoạt động dịch vụ về đất đai.

+ Công chức kiểm lâm được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng rừng được lập biên bản- vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm, sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất vào mục đích khác. Công chức, viên chức Cảng vụ hàng không được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra việc sử dụng đất cảng hàng không, sân bay dân dụng. 

Hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt VPHC lĩnh vực đất đai

- Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai được lập theo quy định tại Điều 58 của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 97/2017/NĐ-CP, cụ thể:

Mẫu biên bản 01 kèm theo Nghị định 97/2017/NĐ-CP

+ Biên bản phải có đầy đủ các thông tin theo mẫu biên bản 01 của Nghị định 97/2017/NĐ-CP. Biên bản gồm nhiều tờ thì phải ký từng tờ, nếu người vi phạm không ký thì phải có 2 người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền địa phương ký. Nếu thuộc trường hợp được giải trình thì phải ghi cụ thể thời gian giải trình cũng như người có thẩm quyền giải quyết giải trình. Biên bản phải được giao cho người vi phạm 01 bản.

+ Về xác định hành vi vi phạm: Người có thẩm quyền phải xác định cụ thể hành vi vi phạm của cá nhân/tổ chức là vi phạm điều, khoản nào của Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp hành vi đó chưa được quy định trong Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì không lập biên bản vi phạm hành chính.

Khi đã xác định được hành vi vi phạm thì trong biên bản phải mô tả rõ thời gian thực hiện hành vi, kết thúc hành vi là khi nào để xác định thời hiệu, thời hạn xử phạt vi phạm hành chính. Đây là thông tin rất quan trọng để người có thẩm quyền xử phạt quyết định phạt tiền hay chỉ áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả khi đã hết thời hạn, thời hiệu xử phạt.

Bước 2. Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

– Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính nếu thuộc thẩm quyền thì người lập biên bản VPHC ban hành quyết định xử phạt VPHC, nếu vượt thẩm quyền thì phải chuyển ngay hồ sơ tới người có thẩm quyền để xử phạt. Lưu ý: Đối với trường hợp có lập biên bản xử lý vi phạm hành chính thì phải ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính theo mẫu quyết định 02 kèm theo Nghị định 97/2017/NĐ-CP.

Mẫu quyết định 02 kèm theo Nghị định 97/2017/NĐ-CP

+ Việc xác định thẩm quyền xử phạt căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt và biện pháp phạt bổ sung, biện pháp buộc khắc phục hậu quả để xác định.

Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng với diện tích 0,4ha, căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

+ Trường hợp trên chúng ta căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt để xác định thẩm quyền. Ở đây khung tối đa là 15 triệu nên không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã mà thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện.

– Thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai là 07 ngày, đối với trường hợp phức tạp thì 30 ngày, đối với trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì tối đa 60 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

+ Trước khi ban hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt cần lưu ý: Nếu có căn cứ cho rằng việc xác lập biên bản, hành vi chưa đảm bảo, chưa đủ cơ sở để xử phạt thì có quyền giao nhiệm vụ cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành lập biên bản xác minh tình tiết vi phạm trước khi ban hành quyết định xử phạt.

+ Đối với những trường hợp mức phạt từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân và 30 triệu đồng trở lên đối với tổ chức thì phải để hết thời gian giải trình (2 ngày đối với giải trình trực tiếp, 5 ngày đối với giải trình bằng văn bản) mới được ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

-  Mẫu quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả thực hiện theo mẫu của Nghị định 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP.

– Sau khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định buộc khắc phục hậu quả trong trường hợp không xử phạt thì phải gửi cho cá nhân/tổ chức vi phạm trong thời hạn 02 ngày làm việc. Việc gửi quyết định trực tiếp cho người vi phạm phải có biên bản ký nhận, có xác nhận của người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền địa phương. Nếu gửi qua đường bưu điện thì phải gửi bằng hình thức thư đảm bảo, nội dung gửi phải ghi rõ quyết định, nếu người vi phạm không nhận thì gửi 3 lần.

Bước 3. Thi hành quyết định xử phạt

– Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành quyết định phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc để cá nhân, tổ chức chấp hành việc nộp tiền phạt cũng như biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định.

– Trường hợp quá thời gian ghi trong quyết định mà cá nhân không chấp hành nộp tiền phạt cũng như các biện pháp buộc khắc phục hậu quả thì cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành quyết định tiến hành xác minh các thông tin về thu nhập, tiền lương, tài khoản của người vi phạm để tham mưu quyết định cưỡng chế thu tiền phạt cũng như tham mưu cưỡng chế thi hành biện pháp buộc khắc phục hậu quả.

Trường hợp nếu chưa có điều kiện thi hành cưỡng chế thu tiền phạt thì cần tham mưu cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trước, còn tiền phạt sẽ tiếp tục xác minh để cưỡng chế sau nhằm kịp thời chấm dứt, khắc phục hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai.

– Biểu mẫu quyết định cưỡng chế thực hiện theo mẫu của Nghị định 97/2017/NĐ-CP. Tùy theo hình thức cưỡng chế mà áp dụng biểu mẫu phù hợp từ mẫu quyết định số MQĐ06 đến MQĐ 10 của Nghị định 97/2017/NĐ-CP.

Bước 4. Tổ chức cưỡng chế

Sau khi ban hành quyết định cưỡng chế thu tiền phạt, cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả thì phải gửi ngay cho cá nhân, tổ chức vi phạm để thi hành. Nếu quá thời hạn tự nguyện thi hành theo quyết định cưỡng chế mà họ không thi hành thì tổ chức cưỡng chế thu tiền phạt, cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Trước khi tổ chức cưỡng chế thì người có thẩm quyền cần rà soát lại toàn bộ hồ sơ xử phạt để đảm bảo việc lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; nếu qua rà soát có thiếu sót thì cần phải kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho đảm bảo. Cần có thông báo thời gian tổ chức thực hiện cưỡng chế cho người bị cưỡng chế biết (điều này thể hiện được tính công khai, minh bạch). Xây dựng phương án, kế hoạch cưỡng chế để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên tham gia cũng như dự trù các tình huống có thể xảy ra để có phương án xử lý kịp thời.

Tập tin đính kèm:
Lê Minh Khánh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 204