Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Phát triển 'Tam nông' bằng tư duy mới: Cần cả trí tuệ và lương tâm!
Ngày cập nhật 18/01/2022

Phát triển 'tam nông' cần đến cả tư duy và đạo lý phát triển, cần cả trí tuệ và lương tâm từ phía người lãnh đạo, PGS.TS Đoàn Minh Huấn chia sẻ.

Trong một tham luận với chủ đề "Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn - nhìn bằng tư duy mới, cách tiếp cận mới", với lăng kính mới, PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, chia sẻ: Phát triển “tam nông” đòi hỏi phải có tư duy kinh tế thị trường hiện đại, “hành động địa phương, tầm nhìn toàn cầu”. Tư duy thị trường phải gắn với định hình tình cảm, trách nhiệm với nông dân; làm cho nông dân thực sự là chủ thể phát triển nông thôn.

PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

 

Cần suất đầu tư lớn mà không thể tính bằng hiệu quả kinh tế

Có một thực tế là, đầu tư vào nông nghiệp đem lại “dân giàu”, nhưng nguồn thu cho địa phương không như đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đầu tư vào nông nghiệp đòi hỏi tính căn cơ, không chỉ tính đến bài toán nâng cao thu nhập mà cả những vấn đề dịch chuyển cơ cấu lao động, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc... Do đó, phát triển nông nghiệp dày công hơn rất nhiều, khó khăn bội phần, ở đây cần nhiều lời giải cùng lúc của bài toán “tam nông”...  Đó là một sự nghiệp giáo dục lại người nông dân đầy khó khăn, gian khổ.

Phát triển “Nông nghiệp sinh thái, Nông thôn hiện đại, Nông dân thông minh” cần đến rất nhiều nguồn lực đầu tư công với diện tích trải rộng khắp mọi vùng miền đất nước, nơi càng khó khăn, càng đặt ra những yêu cầu cao về bảo đảm an ninh, quốc phòng, bình đẳng giữa các dân tộc, càng cần suất đầu tư lớn mà không thể tính thuần tuý bằng hiệu quả kinh tế.

'Từ lãnh đạo đến người dân phải ý thức một cách sâu sắc trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, vì một nền nông nghiệp xanh, bền vững, vì chất lượng sống của người dân nông thôn', PGS.TS Đoàn Minh Huấn.

 

Nếu người lãnh đạo thiếu tình yêu thương, thiếu thấu hiểu và thấu cảm giai cấp nông dân đã từng đóng góp nhiều nhất cho kháng chiến, đã hy sinh rất nhiều cho công nghiệp hoá thì khó có thể hình thành được tư duy đổi mới, phát triển “tam nông”.

Bởi nguồn lực cho công nghiệp hoá, đô thị hoá gần như hút từ nông thôn (nhân lực, vật lực, tài lực, đất đai,...) rồi cả gây ô nhiễm môi trường, “đẩy” cho nông thôn gánh chịu (nơi xả nước thải, bãi thải rác công nghiệp, rác sinh hoạt cho đô thị, xây dựng nghĩa trang...).

Phải loại trừ những quan điểm phát triển thiếu lương tâm khi đánh đổi lợi ích của nông dân, nông thôn cho công nghiệp hoá, đô thị hoá mà đằng sau đó luôn có bóng dáng các “nhóm lợi ích”.

Biến đổi của nền kinh tế và xã hội nông thôn chứa đựng cả mặt thuận chiều và mặt nghịch chiều, tích cực và tiêu cực. Nhiều làng quê chỉ còn lại phần lớn là người già và trẻ em, thiếu lao động trẻ, có tay nghề, được đào tạo bài bản, thiếu năng lực chuyển đổi sang nền nông nghiệp hiện đại, phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Văn hoá bản làng, gia đình, lối sống nông thôn thay đổi nhanh chóng, cả tích cực và tiêu cực đan xen, ảnh hưởng nhiều mặt đến bản sắc văn hoá.

Vì thế, phát triển “tam nông” cần đến cả tư duy và đạo lý phát triển, cần cả trí tuệ và lương tâm từ phía người lãnh đạo - những người luôn phải tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, có lòng yêu thương nông dân.

Bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là vấn đề hạn chế thua thiệt trước cơ chế thị trường; là vấn đề lớn của xây dựng nông thôn mới, mà ở đó phải gắn kết chặt chẽ giữa giữ gìn các thiết chế văn hoá phong tục tập quán tốt đẹp với loại trừ hủ tục lạc hậu đang cản trở tiến bộ, văn minh.

Từ lãnh đạo đến người dân phải ý thức một cách sâu sắc trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, vì một nền nông nghiệp xanh, bền vững, vì chất lượng sống của người dân nông thôn, tạo nên các vành đai xanh cho các đô thị đang đứng trước nhiều áp lực “bê tông hoá” và hiệu ứng nhà kính.

 

Núy theo https://nongnghiep.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 62