Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Phương án Xử lý chặt phá rừng, lấn, chiếm rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Nam Đông
Ngày cập nhật 26/09/2019

Ngày 25/09/2019 UBND huyện đã ban hành Phương án Xử lý chặt phá rừng, lấn, chiếm rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Nam Đông

UBND huyện Nam Đông xây dựng Phương án xử lý chặt phá rừng, lấn, chiếm rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Nam Đông theo tinh thần Chỉ thị số 65/2015/CT-UBND với những nội dung sau:

I. Đặc điểm, tình hình chung:

1.  Về diện tích đất tự nhiên và đất lâm nghiệp:

 Tổng diện tích tự nhiên của huyện Nam Đông là 64.777,88 ha; trong đó: Đất nông nghiệp 62.437,72 ha chiếm 96,39% tổng diện tích tự nhiên, đất phi nông nghiệp 2.150,54 ha chiếm 3,32% tổng diện tích tự nhiên, đất chưa sử dụng 189,61 ha chiếm 0,29% tổng diện tích tự nhiên; 

Về đất lâm nghiệp: diện tích đất lâm nghiệp 56.881,39 ha, chiếm 87,81% diện tích tự nhiên. Trong đó: đất rừng sản xuất là 18.401,77 ha; đất rừng phòng hộ là 8.383,74 ha và đất rừng đặc dụng là 30.095,88 ha.

2. Tình hình sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện:

Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện việc trồng rừng đang phát triển mạnh, kinh tế lâm nghiệp đã góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường, sinh thái của địa phương. Thu nhập từ sản xuất lâm nghiệp ổn định, đã tạo ra phong trào phát triển trồng rừng sản xuất rộng lớn trong nhân dân;

Lợi ích đem lại từ kinh tế rừng trồng ngày càng lớn, người trồng rừng đã tích cực đầu tư phát triển sản xuất. Tuy nhiên, do nhu cầu đất đai để sản xuất ngày càng lớn, do hiệu quả kinh tế từ trồng rừng nên tình hình chặt phá rừng, xâm lấn rừng trái phép để lấy đất sản xuất, trồng  rừng diễn ra hết sức phức tạp, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự quản lý rừng, đất lâm nghiệp còn lỏng lẽo nên đã lấn chiếm đất trái phép. Mặc dù các xã, thị trấn, ban ngành và cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để từng bước ngăn chặn các hành vi chặt phá rừng, lấn, chiếm rừng và đất lâm nghiệp, nhưng trên thực tế tình hình quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều chủ rừng không quản lý được diện tích rừng và đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý nên để xảy ra tình trạng chặt phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép gây khó khăn trong việc quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai.

II. Nội dung Phương án:

1. Tên phương án:

Phương án xử lý chặt phá rừng, lấn, chiếm rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Nam Đông.

2. Quy mô phương án:

Thực hiện ở tất cả các xã, thị trấn, các đơn vi chủ rừng trên địa bàn huyện có xảy ra tình trạng chặt phá rừng, lấn, chiếm rừng và đất lâm nghiệp.

3. Thời gian thực hiện phương án: Bắt đầu từ Quý III năm 2019.

4. Mục tiêu của phương án:

Xử lý các hành vi vi phạm về chặt phá rừng, lấn, chiếm rừng và đất lâm nghiệp; thu hồi diện tích đất lấn, chiếm; xem xét cấp đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai trên địa bàn huyện.

5. Nội dung thực hiện

5.1. Đối với diện tích đất đang sử dụng có nguồn gốc từ chặt phá rừng tự nhiên trong giai đoạn từ 2004 đến nay, đã xác định được đối tượng vi phạm:

Hạt Kiểm lâm chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương xử lý vi phạm, buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng đến khi thành rừng theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương tại thời điểm vi phạm hành chính; buộc trả lại đất cho chủ thể quản lý (Điều 20, Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp và Điều 10, Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai);

Việc xác định diện tích đất có nguồn gốc từ chặt phá rừng tự nhiên, trong trường hợp cần thiết UBND huyện sẽ đề nghị Chi cục Kiểm lâm và Chi cục quản lý đất đai Thừa Thiên Huế hỗ trợ;

UBND các xã, thị trấn, chủ rừng có trách nhiệm giám sát các đối tượng trong việc thực  hiện các quyết định xử lý vi phạm.

5.2. Đối với diện tích đất đã xác định được người sử dụng, có nguồn gốc từ đất trống (Đất chưa có rừng):

5.2.1. Đối vơi diện tích sử dụng từ trước ngày 01/07/2004, có nguồn gốc từ đất trống (Đất chưa có rừng):

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định vào mục đích thuộc nhóm đất nông nghiệp (bao gồm đất lâm nghiệp) từ trước ngày 01/7/2004, được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp thì được công nhận quyền sử dụng đất như sau: (căn cứ để xác định việc sử dụng đất ổn đinh theo Điều 21, Nghị định 43/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đất đai);

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đang sử dụng nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật Đất đai; diện tích đất nông nghiệp còn lại (nếu có) phải chuyển sang thuê đất của Nhà nước (Điểm a khoản 5 điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP);

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức thuê đất của Nhà nước đối với diện tích đất đang sử dụng; thời hạn thuê đất được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 126 và Khoản 4 Điều 210 của Luật Đất đai. (Điểm b Khoản 5 điều 20, Nghị định 43/2014/NĐ-CP).

5.2.2. Đối với diện tích đất sử dụng từ ngày 01/07/2004 đến trước ngày 01/7/2014 có nguồn gốc từ đất trống (đất chưa có rừng):

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất là đất nông nghiệp (bao gồm cả đất lâm nghiệp) do tự khai hoang mà đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, không có tranh chấp, có hộ khẩu thường trú tại địa phương, trực tiếp sản suất nông nghiệp, lâm nghiệp tại vùng có điều kiện kinh tế -xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người sử dụng đất ổn định thì được công nhận quyền sử dụng đất theo hạn mức do UBND cấp tỉnh quy định; nếu vượt hạn mức thì diện tích vượt hạn mức phải chuyển sang thuê. (Khoản 1, Điều 101, Luật đất đai năm 2013; khoản 4 Điều 22, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP);

Trường hợp không đủ điều kiện để cấp đất theo quy định tại điều 101 Luật đất đai và Điều 22 NĐ 43/NĐ-CP thì thu hồi và xem xét cho thuê đất.

5.2.3 Đối với diện tích đất sử dụng do lấn, chiếm sau ngày 01/07/2014: (Khái niệm lấn, chiếm đất theo Điều 3, Nghị định 102 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai)

Phòng TN&MT chủ trì, phối hợp UBND các xã, thị trấn và các cơ quan liên quan lập biên bản vi phạm hành chính; tham mưu Chủ tịch UBND huyện Quyết định xử lý vi phạm hành chính gồm: phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; buộc trả lại đất đã lấn, chiếm (Điều 10, Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai). Trường hợp nếu hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính thì tham mưu Chủ tịch UBND huyện Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; buộc trả lại đất đã lấn, chiếm;

UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm quản lý diện tích đất sau khi thu hồi và lập phương án quản lý, sử dụng đất.

5.2.4 Đối với diện tích đất lấn, chiếm là đất đã giao cho cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý: 

Phòng TN&MT phối hợp UBND các xã, thị trấn và các cơ quan liên quan lập biên bản vi phạm hành chính; tham mưu Chủ tịch UBND huyện xử lý vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; buộc trả lại đất đã lấn, chiếm (Điều 10, Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014;

 Diện tích đất sau khi thu hồi được trả lại cho cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý, sử dụng.

5.3. Về xử lý tài sản trên đất sử dụng trước ngày 01/7/2014 có chủ thừa nhận thuộc trường hợp buộc trả lại đất:

Tạm thời  cho sử dụng đất theo hiện trạng cho đến khi nhà nước thu hồi đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định (Khoản 7, Điều 20; điểm c, khoản 5, điều 22 Nghi định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014).

5.4. Về xử lý đất và tài sản trên đất không xác định được người sử dụng:

UBND các xã, thị trấn ra thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng diện tích rừng và đất lâm nghiệp nói trên được biết; đồng thời hợp đồng BCH quân sự, Công an huyện bảo vệ. Thời gian bảo vệ cho đến khi khai thác hết diện tích rừng trồng, nhưng không quá 5 năm;

Nếu chủ sử dụng đất đến kê khai thừa nhận thì thực hiện theo nội dung mục 5.1; 5.2; 5.3 và phải thanh toán chi phí bảo vệ kể từ thời điểm hợp đồng bảo vệ cho đến thời điểm chủ tài sản đến kê khai thừa nhận;

Sau 05 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản thì tài sản đó thuộc về Nhà nước (Điều 228 Bộ Luật Dân sự ngày 24/11/2015). Việc xác lập quyền sở hữu tài sản và xử lý đối với tài sản thực hiện Nghị định số 29/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân (Điều 8, NĐ 29/2018 của Chính phủ quy định trình tự thủ tục xác lập quyền sở hửu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân);

Diện tích đất sau khi thu hồi, phòng TN&MT tham mưu UBND huyện làm thủ tục cho BCH quân sự, Công an huyện thuê đất để trồng rừng với thời gian không quá 05 năm. Hết thời hạn nêu trên UBND xã xây dựng phương án giao đất, cho thuê đất cho các hộ dân thiếu đất sản xuất theo quy định của pháp luật.

5.5. Đối với diện tích đất vi phạm do chặt phá rừng, lấn, chiếm rừng và đất lâm nghiệp của các đơn vị chủ rừng Nhà nước:

5.5.1. Đối với diện tích đất vi phạm nguồn gốc từ chặt phá rừng tự nhiên trong giai đoạn từ 2004 đến nay, đã xác định được đối tượng vi phạm:

Thực hiện theo nội dung ở mục 5.1.

5.5.2. Đối với diện tích đất sử dụng trước ngày 01/07/2004, có nguồn gốc từ đất trống (Đất chưa có rừng):

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất từ trước ngày 01/7/2004 (trước thời điểm quy hoạch sử dụng đất cho các đơn vị chủ rừng), được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp thì Phòng TN&MT tham mưu UBND huyện đề nghị UBND tỉnh thu hồi diện tích đất của các đơn vị chủ rừng để cấp đất cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất. (Khoản 5, điều 20, Nghị định 43/2014/NĐ-CP).

5.5.3. Đối với diện tích đất sử dụng từ ngày 01/07/2004 đến trước ngày 01/7/2014 có nguồn gốc từ đất trống (đất chưa có rừng):

Phòng TN&MT tham mưu UBND huyện đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thu hồi đất đã lấn, chiếm để giao lại cho các đơn vị chủ rừng. Người đang sử dụng đất lấn, chiếm được đơn vị chủ rừng xem xét giao khoán bảo vệ, phát triển rừng theo quy định của pháp luật. (Khoản 2, Điều 22, Nghị định 43/2014/NĐ-CP).

5.5.4. Đối với diện tích sử dụng đất do lấn, chiếm sau ngày 01/7/2014, có nguồn gốc từ đất trống (Đất chưa có rừng):

Các đơn vị chủ rừng phối hợp các cơ quan liên quan lập biên bản vi phạm hành chính. Phòng TN&MT huyện tham mưu Chủ tịch UBND huyện xử lý vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; buộc trả lại đất đã lấn, chiếm (Điều 10, Nghị định 102/2014/NĐ-CP);

Các đơn vị chủ rừng có trách nhiệm quản lý diện tích đất sau khi thu hồi và lập phương án quản lý, sử dụng đất.  

6. Kinh phí thực hiện:

Kinh phí hợp đồng bảo vệ rừng đối với diện tích không xác định được người sử dụng: UBND cấp xã xây dựng dự toán theo định mức (Quyết định số 38/2005/ QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT);

Kinh phí đo đạc, lập bản đồ địa chính: Phòng TN&MT xây dựng dự toán trình UBND huyện phê duyệt để triển khai;

Các chi phí khác thực hiện Phương án giao Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông phối hợp phòng TN&MT, phòng TC-KH huyện xây dựng dự toán trình UBND huyện phê duyệt để triển khai;

Phòng TC-KH huyện có trách nhiệm tổng hợp các khoản chi phí, tham mưu UBND huyện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ Quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân);

Nguồn kinh phí: Trích từ kinh phí bán đấu giá rừng tịch thu và ngân sách Nhà nước.

7. Tổ chức thực hiện:

7.1. Hạt Kiểm lâm huyện:

Cung cấp bản đồ, vị trí các lô đất, danh sách và các hồ sơ liên quan trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 65/2015/CT-UBND của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân lấn, chiếm rừng và đất lâm nghiệp cho các cơ quan có liên quan để phục vụ cho công tác xử lý, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp;

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý vi phạm diện tích đất lấn, chiếm có nguồn gốc từ rừng tự nhiên;

Thẩm định phương án quản lý bảo vệ rừng của UBND cấp xã trình UBND huyện phê duyệt;

Phối hợp với Phòng TN&MT, UBND cấp xã để cung cấp, trao đổi thông tin cần thiết phục vụ cho công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất Lâm nghiệp và bàn giao trên thực địa.

7.2. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý vi phạm diện tích đất lấn, chiếm có nguồn gốc từ đất trống;

Chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm, UBND các xã, thị trấn hợp đồng với đơn vị tư vấn tiến hành đo đạc, cắm mốc lập bản đồ địa chính trên toàn bộ diện tích vi phạm;

Thực hiện công tác thẩm định, thuê đơn vị tư vấn đo đạc để lập thủ tục giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, quản lý hồ sơ địa chính;

Tham mưu cho UBND huyện thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp sau thu hồi.

7.3. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn:

Tổ chức triển khai thực hiện Phương án; thông tin tuyên truyền về việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp trên địa bàn xã;

Thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND xã, tại nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư về vị trí, địa điểm đối với diện tích không xác định được người sử dụng để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa kê khai, đăng ký được biết. Nếu họ đến kê khai thừa nhận thì hướng dẫn thực hiện các thủ tục theo quy định;

Có trách nhiệm xác định việc sử dụng đất của các hộ gia đình cá nhân trên địa bàn;

Phối hợp với các ban ngành liên quan để phục vụ cho công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp; xử lý các vi phạm và tranh chấp trong việc sử dụng đất lâm nghiệp của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật;

Lập phương án, quản lý bảo vệ rừng, giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp trên địa bàn xã theo quy định, trình UBND huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện;

Tổ chức việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, hồ sơ giao đất, cho thuê đất theo quy định sau khi phương án được duyệt;

Thực hiện cập nhật hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn xã.

7.4. Ban Chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện:

Phối hợp với UBND các xã, thị trấn xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng. Công an huyện chủ trì phối hợp Ban chỉ huy quân sự huyện, UBND các xã, thị trấn huy động lực lượng, phương tiện quản lý, bảo vệ và hỗ trợ công tác thu hồi đất bị lấn chiếm.

7.5. Các đơn vị chủ rừng Nhà nước:  

Phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, phòng TN&MT, UBND cấp xã tổ chức xử lý diện tích đất bị lấn chiếm và xây dựng phương án sử dụng diện tích này theo quy hoạch.

7.6. Phòng Tài chính – Kế hoạch:

Hướng dẫn các đơn vị xây dựng dự toán các hạng mục;

Tham mưu UBND huyện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí thực hiện phương án.

7.7. Phòng NN&PTNT:

Tham mưu UBND huyện thẩm định phương án trồng rừng của các đơn vị; xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hướng dẫn nhân dân kỹ thuật gieo ươm cây giống lâm nghiệp, kỹ thuật trồng rừng, các hoạt động phát triển lâm nghiệp, khuyến nông, khuyến lâm. Phối hợp kiểm tra, rà soát diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép.

7.8. Thanh tra huyện:

Kiểm tra, thanh tra việc xử lý vi phạm và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực quản lý đất đai, lâm nghiệp; giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, công dân.

7.9. Phòng Tư pháp huyện:

Kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý các hồ sơ xử lý vi phạm hành chính hoặc hồ sơ cưỡng chế hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính trước khi trình cấp có thẩm quyền ra quyết định.

7.10. UBTQMTVN huyện và các tổ chức đoàn thể chính trị:

Tổ chức tuyên truyền, triển khai và vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quản lý đất đai và quản lý bảo vệ rừng.

Trên đây là Phương án xử lý chặt phá rừng, lấn, chiếm rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Nam Đông theo tinh thần Chỉ thị số 65/2015/CT-UBND ngày 04/12/2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. UBND huyện Nam Đông yêu cầu các cơ quan và UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo UBND huyện để xem xét giải quyết./.

Tập tin đính kèm:
Lê Minh Khánh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 388