Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Quy định tốt hơn để khôi phục sau đại dịch Covid-19
Ngày cập nhật 19/10/2020

Đó là thông điệp của Phiên họp thứ nhất của Hội nghị trực tuyến Mạng lưới thực hành Quy định tốt ASEAN-OECD lần thứ 6 năm 2020 (GRPN) vừa được tổ chức ngày 11 tháng 8 năm 2020 do Văn phòng Chính phủ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam tổ chức. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, lần đầu tiên được tổ chức dưới hình thức trực tuyến

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đã và đang tập trung giải quyết gánh nặng hành chính như một biện pháp để thúc đẩy đầu tư, thương mại và tăng trưởng. Tuy nhiên, các giải pháp được đưa ra chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm các thủ tục hành chính phức tạp, quan liêu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đại dịch Covid-19 đã làm sáng tỏ thực tế rằng những quy định nặng nề có thể cản trở nỗ lực ứng phó của Chính phủ và nhiều Chính phủ đã phải gỡ bỏ quy định nhằm đẩy nhanh tốc độ cung cấp các sản phẩm và giải pháp thiết yếu. Phiên họp thứ nhất của Hội nghị GRPN chính là cơ hội để các quốc gia Đông Nam Á tìm hiểu về các quan điểm cắt giảm gánh nặng, hướng tới các quy định tốt hơn cũng như thảo luận để tìm ra giải pháp cải thiện cơ chế, chính sách, quy định hành chính, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội vừa chống dịch, bảo vệ xã hội.  
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam Gareth Ward chủ trì Hội nghị
 
Tại Phiên họp, đại diện của các quốc gia thành viên ASEAN (gồm: Myanmar, Phillipines, Thái Lan) và các quốc gia thành viên OECD (Hà Lan, New Zealand, Vương quốc Anh) đã có các bài trình bày về kinh nghiệm điều chỉnh quy định để ứng phó với đại dịch Covid-19.
Các nước Đông Nam Á cũng đã triển khai nhiều biện pháp “điều chỉnh quy định” có thể kể đến như: Myanmar đã ban hành Kế hoạch giảm nhẹ ảnh hưởng kinh tế của đại dịch Covid-19 (CERP) với quy trình tăng tốc, đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt gánh nặng quy định, hạ thấp chi phí tuân thủ nhằm khôi phục nền kinh tế; Philippines áp dụng thực hiện liên thông, đồng bộ các thủ tục hành chính, lấy ý kiến tham vấn chặt chẽ của các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; Thái Lan áp dụng công nghệ số để góp phần đẩy nhanh tốc độ thực thi quy định.
Tương tự, để ứng phó với đại dịch Covid-19, tại Hà Lan, bà Suzanne Van Melis, Cố vấn Pháp lý Chiến lược, Bộ Tư pháp và An ninh Hà Lan cho biết, nước này đã đưa ra cơ chế ban hành những quy định tạm thời để chủ động ứng phó với những diễn biến của dịch Covid-19 như các quy định liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, các giải pháp tăng cường xuất nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu cho người dân - được gọi là quy định “hoàng hôn” - nghĩa là, sau một thời gian nhất định sẽ hết hiệu lực, tuy nhiên vẫn có khả năng kéo dài nếu sang một giai đoạn mới. Ngoài ra, theo ông Graham Russell, Chánh văn phòng Tiêu chuẩn và An toàn sản phẩm, Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp, Vương quốc Anh, Anh đã thay đổi qua định về Thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong khi vẫn bảo vệ xã hội trước đại dịch Covid-19.
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu khai mạc
 

          Trên cương vị là nước chủ nhà, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đã chia sẻ kinh nghiệm cải cách quy định và thủ tục hành chính của Việt Nam trước và trong đại dịch Covid-19. Theo đó, một số bài học được rút ra trong cải cách quy định và thủ tục hành chính của Việt Nam, đó là sự ủng hộ và quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ - đây là điều kiện tiên quyết thực hiện cải cách; sự điều phối, thúc đẩy từ trung tâm của Chính phủ; việc áp dụng các phương pháp định lượng rõ ràng và các thông lệ quốc tế tốt; sự hợp tác, đồng hành của Chính phủ và người dân cùng các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn độc lập trên cơ sở bám sát nhu cầu thực tiễn, lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, Việt Nam đang bước vào làn sóng cải cách thứ 3 về cải cách quy định, trong đó, tập trung vào chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 05 năm 2020 để hiện thực hóa mục tiêu này trong giai đoạn 2020 - 2025. Bên cạnh đó, “Việt Nam cũng đưa thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thông qua việc thay đổi phương thức để bảo đảm tính mạng của người dân. Các cơ quan cũng như người dân được thay phương thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến”, ông Ngô Hải Phan cho biết.
 
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ trình bày kinh nghiệm cải cách quy định của Việt Nam trước và trong đại dịch Covid-19
Ảnh: Hoàng Giang - Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

          Phiên họp lần thứ nhất của Hội nghị GRPN lần thứ 6 năm 2020 đã đặt vấn đề làm thế nào để các nước trong khối ASEAN nói riêng và các nước thành viên OECD nói chung có thể cùng “chung tay” ứng phó với đại dịch Covid-19. Ông Jeffrey Schalagenhauf, Phó Tổng thư ký OECD cho biết, hiện OECD đang có một loạt chương trình nghiên cứu về ảnh hưởng của Covid-19 với xã hội, những kết quả nghiên cứu sẽ hỗ trợ các nước ASEAN vượt qua được giai đoạn khủng hoảng sau đại dịch, hướng tới mục tiêu phát triển trong các năm tiếp theo.
Tham dự Phiên họp, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam, Ngài Gareth Ward đánh giá, ASEAN là khu vực tăng trưởng nhanh trên thế giới, đã có những ứng phó kịp thời với Covid-19; đồng thời tin tưởng những ý kiến tại Phiên họp sẽ mang lại hiệu quả giúp tăng cường mạng lưới và chia sẻ giữa các quốc gia, góp phần phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Kết thúc phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, với những nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số mà Việt Nam đang triển khai dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những kiến thức, bài học kinh nghiệm được các chuyên gia của OECD và đại diện các quốc gia ASEAN cung cấp, chia sẻ và trao đổi là hết sức quý báu và thiết thực; đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng OECD và ASEAN để những nỗ lực của Việt Nam phát huy hiệu quả đối với khu vực và quốc tế, góp phần vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, ổn định và phát triển.
Hai phiên họp tiếp theo của chuỗi sự kiện Hội nghị Mạng lưới thực hành Quy định tốt ASEAN-OECD lần thứ 6 năm 2020 dự kiến được tổ chức vào tháng 9 và tháng 10 năm 2020 bàn về các giải pháp xử lý khủng hoảng sau đại dịch và việc áp dụng công nghệ số trong quá trình xây dựng quy định. Tuy là lần đầu tiên Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực, cách thức tổ chức chuyên nghiệp và hiệu quả, trên cương vị chủ nhà, Việt Nam đã tạo ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế và khu vực./.
 
theo Lê Quỳnh Anh,
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 143